Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời giữ vai trò gắn kết giữa cơ quan kiểm lâm với cơ sở. Qua các thế hệ lực lượng Kiểm lâm Tây Giang đã góp phần tích cực trong việc giữ rừng tại “gốc”, giảm thiểu tình trạng vi phạm lâm luật và các hành vi xâm hại rừng trong thời gian qua.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam và 20 năm thành lập Hạt Kiểm lâm Tây Giang, lực lượng Kiểm lâm huyện vinh dự được lãnh đạo huyện trao tặng bức trướng có dòng chữ “Đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, hiệu quả”
Với phương châm “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành và nhân dân chú trọng, việc phát đốt rừng già, rừng đầu nguồn, phát rừng làm rẫy, cháy rừng ít xảy ra, độ che phủ rừng ngày càng nâng lên, tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản không xảy ra. Đặc biệt, người Cơtu rất coi trọng việc làm khi động đến rừng, việc bảo vệ rừng già, rừng đầu nguồn sông suối đã kết thành văn hóa riêng.
Ông Lê Viết Sang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tây Giang cho biết, hằng năm, đơn vị đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND&UBND huyện ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết đề ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo có hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý lâm sản. Đặc biệt Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 31/8/2009 của UBND huyện về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới. Đây có thể nói là một văn bản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phân công cán bộ địa bàn đứng điểm tại các xã, thành lập các Tổ bảo vệ rừng và PCCCR tại các thôn trực phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh, nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, dụng cụ PCCCR. Đối với cá nhân, hộ gia đình có rừng tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR. Tu sửa bảng, biển hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR để nâng cao nhận thức của mọi người; thường xuyên kiểm tra tình hình phát, đốt nương rẫy của Nhân dân trong thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán và mùa khô hanh, nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 8.

Các đơn vị phối hợp tăng cường đi tuần tra, xử lý các vụ vi phạm
Công tác phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường. Tổ chức ký kết phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) với các đơn vị lực lượng vũ trang (Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng), đơn vị chủ rừng, UBND xã và UBND huyện ký phối hợp với các huyện vùng giáp ranh (huyện Nam Giang, Đông Giang tỉnh Quảng Nam, Alưới tỉnh Thừa Thiên-Huế). Xây dựng phương án QLBVR, PCCCR, đoàn công tác liên ngành kiểm tra, truy quét các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; UBND xã thành lập Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR với sự tham gia các ngành trên địa bàn quản lý. Từ năm 2003 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện, xử lý 267 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (xử lý hình sự 02 vụ); tịch thu: 391,663 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3 tỷ đồng; thả nhiều động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên, phá hủy nhiều dụng cụ, bẫy động vật rừng, láng trại trái phép trong rừng.- Ông Sang nói.
Ông Sang cho biết thêm, Hạt Kiểm lâm Tây Giang thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Hướng dẫn 63 thôn, cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức và xây dựng trên 63 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở. Phân công 10 công chức Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở tham mưu UBND xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; lực lượng Kiểm lâm thực sự bám dân, bám rừng, gắn với chính quyền cơ sở thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Đến nay diện tích đất rừng có chủ đạt 90,78%, trong đó chủ yếu là giao cho các Ban Quản lý rừng, cộng đồng dân cư và hộ gia đình; diện tích đất rừng chưa có chủ hiện do UBND xã quản lý. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được đưa vào thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hằng năm rà soát quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo theo quy định nhằm đảm bảo phù hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng-an ninh.
Ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, Cùng với ngành Kiểm lâm, Công tác Bảo tồn thiên nhiên được UBND huyện đặc biệt quan tâm, tổ chức điều tra, kiểm đếm các loài cây quý hiếm như Lim xanh, Pơmu, Đỗ quyên để đưa vào chế độ quản lý nghiêm ngặt, đến nay có 1.146 cây Pơmu, 02 cây Đa sộp, 01 cây Giổi được công nhận là cây di sản. Trong đó, có nhiều cây có tuổi đời đến gần 1.000 năm tuổi.
Phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để điều tra đánh giá tính đa dạng sinh học của rừng Tây Giang ghi nhận nhiều loài động, thực vật mới chưa được công bố. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, tranh thủ sự trợ giúp về tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, nhiều dự án được thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên - Ông Phương nói.
Bằng một loạt các biện pháp đồng bộ theo chủ trương xã hội hóa trong ngành lâm nghiệp, Kiểm lâm Tây Giang đã góp phần đưa độ che phủ rừng của tỉnh từ 56,8% năm 2003 lên 72,42% năm 2022, đến nay toàn huyện có 66.171 ha rừng, trong đó: rừng tự nhiên 63.419 ha, rừng trồng 2.751 ha.