Tây Giang tổ chức Lễ hội khai năm Tạ ơn rừng năm 2023

Ngày 06/02/2023, tại Làng du lịch sinh thái Rừng di sản Pơmu, UBND huyện tổ chức Lễ hội khai năm Tạ ơn rừng năm 2023.

Đến dự có các đồng chí: Bhling Mia, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Zơrâm Buôn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Nguyễn Văn Lượm, Pho bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Mạc Như Phương, PCT Thường trực UBND huyện; Arất Blúi, PCT UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành huyện, đại diện lãnh đạo và Nhân dân 2 xã Axan, Tr’hy.

Đây là năm thứ 6 huyện Tây Giang tổ chức Lễ hội khai năm Tạ ơn rừng với mong muốn cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, vừa thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên.

Lễ hội Tạ ơn rừng là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào người Cơtu Tây Giang, được tổ chức vào những ngày đầu năm mới hàng năm. Người Cơtu Tây Giang quan niệm, ngoài việc khai năm cầu may, lễ Tạ ơn rừng còn là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức về quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời gắn kết cộng đồng. 

Giữa không gian bao la của núi rừng, trai gái trong làng quay vòng tay nhịp nhàng, thanh âm của tiếng trống chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống ngân vang như một lời cầu nguyện mà người Cơtu gửi tới đấng thần linh, tổ tiên. Người dân Tây Giang tin rằng, Giàng cũng như các vị thần đã cho họ sức mạnh để vượt qua, gắn bó với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng dân tộc Cơtu nơi đây.

Được biết, từ xa xưa, người dân Tây Giang đã tổ chức Lễ “Tạ ơn rừng”, tạ ơn núi, sông, suối, cây cối, hoa màu, tạ ơn thần linh, Giàng. Với tâm niệm, có rừng, có Giàng là có con người và muôn loài động thực vật sinh sống. Bất cứ ai lấy thứ gì từ rừng cũng phải xin đấng thần linh, phải họp bàn với dân làng và làm lễ cúng cẩn thận. Để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, người dân nơi đây đã đề ra quy ước, hễ ai muốn lấy gỗ trong rừng làm nhà phải được sự đồng ý của dân làng. Nếu khai thác cây nào thì Hội đồng già làng tính toán, đốn hạ những cây gỗ để sao không ảnh hưởng đến rừng già. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nghiêm khắc hơn là cấm vào rừng.

Hiện nay, Toàn huyện Tây Giang có diện tích rừng hơn 91.368 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều cánh rừng quý như khu rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm, với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả nghìn năm, trong đó 725 cây Pơmu đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. 

Lễ hội Khai năm Tạ ơn rừng năm nay nhằm khôi phục và tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu, Lễ hội tạ ơn rừng còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, cũng như khuyến khích việc giữ rừng của các cộng đồng được giao khoán bảo vệ rừng. Đồng thời tạo nên sức lan tỏa lớn, cổ vũ mạnh mẽ trong việc chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước ở cộng đồng vùng cao địa phương. Hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh, từ quần thể pơmu di sản, rừng lim quý hiếm cho đến quần thể đỗ quyên được gìn giữ nguyên vẹn, xanh màu là minh chứng lớn nhất trong việc góp công bảo vệ của cộng đồng Tây Giang.

Tin liên quan

NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Nguyễn Văn Lượm
Chức vụ: Chủ tịch UBND
Số điện thoại: 0235 3 796 070 (0982 348117)
Email: luomnguyenqnam@gmail.com