Giao rừng cho cộng đồng làng quản lý, chi trả chính sách môi trường rừng, hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng…Đó là những giải pháp quan trọng mà Quảng Nam đã và đang triển khai trong công tác giữ rừng hiện nay. Với đồng bào Cơtu ở huyện Tây Giang, việc chung tay giữ rừng đã trở thành một nét văn hóa đẹp của cộng đồng làng. Giờ đây, nét đẹp văn hóa đó cùng với các chính sách của nhà nước. Đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giữ cho những cánh rừng mãi xanh…

Các đơn vị phối hợp tăng cường đi tuần tra, xử lý các vụ vi phạm về rừng
Ông A Lăng Mía dân tộc Cơtu đã chăm sóc vườn cây Ba kích dưới tán rừng già hơn 4 năm nay. Với hơn 1000 gốc Ba kích tím, mỗi vụ thu hoạch mang lại nguồn thu từ 70 đến 100 triệu đồng. Không chỉ có thêm tiền trang trải cuộc sống, mà gia đình ông Mía còn tiết kiệm chi tiêu để mua sắm vật dụng trong gia đình. Thấy được hiệu quả từ việc giữ rừng để trồng dược liệu. Ông Mía tiếp tục tuyên truyền cho bà con trong làng cùng chung tay bảo vệ những cánh rừng già đầu nguồn.
Ông A Lăng Mía, xã Lăng nói: Trồng cây Ba kích để giữ rừng già, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ được phát triển. Giữ rừng phòng hộ không cho sạt lở, giữ cho khí hậu mát mẻ, để trồng cây Ba kích để có khu bảo vệ rừng.

Ngoài rừng Pơmu, Tây Giang có khoảng 450 ha rừng cây Đỗ Quyên
Không chỉ trồng dược liệu dưới tán rừng, hàng tháng bà con Cơtu còn thay phiên nhau tuần tra rừng. Rừng Pơmu vừa là cây di sản của huyện Tây Giang, đồng thời cũng là báu vật rừng thiêng của đồng bào Cơtu. Do đó, ngoài những luật tục quy định của làng, thì các tổ, nhóm quản lý bảo vệ rừng…thay nhau tuần tra nghiêm ngặt. Nhờ đó, từ khi phát hiện đến nay, rừng cây di sản Pơmu không bị tàn phá mà vẫn xanh tốt. Đủ sức che chở sự sống cho cộng đồng làng Cơtu vùng cao Tây Giang.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Giang cho biết thêm, hiện nay Ban đang giao khoán cho 64 cộng đồng. Và việc giao khoán cho cộng đồng nó phù hợp tại Tây Giang. Vì bà con ở đây sống dựa vào cộng đồng rất nhiều, tính cộng đồng rất cao, nên việc bảo vệ rừng thì toàn dân đều bảo vệ.
Với phương châm “rừng còn Tây Giang phát triển-Rừng mất Tây Giang suy vong”…Sau gần 20 năm tái lập, Đảng bộ chính quyền và bà con Cơtu trên địa bàn huyện đã và đang làm rất tốt công tác giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng. Và trong nhiều năm liên tục, huyện Tây Giang là tấm gương sáng, trong công tác giữ rừng không chỉ ở Quảng Nam, mà còn cả khu vực miền Trung Tây Nguyên.