Sáng ngày 15/4/2022, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND huyện Tây Giang tổ chức tọa đàm về tình hìnhsử dụng, dạy và học đối với ngôn ngữ, chữ viết Cơtu.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm, có đồng chí Bh’riu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy; đồng chí Zơrâm Buôn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Cơlâu Nghi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy và đại diện một số ngành, địa phương. Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện và GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp việc tổ chức buổi tọa đàm nhằm thu thập thông tin về thực trạng dạy và biên soạn chương trình, tài liệu, nhu cầu đội ngũ giảng viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện Tây Giang nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu tại buổi tọa đàm
Qua thảo luận hầu hết các ý kiến cho rằng hiện nay tài liệu để phục vụ cho việc dạy chữ viết dân tộc Cơtu chưa có sự thống nhất. Hiện có ba bộ sách đó là cuốn P’rá Cơtu (Tiếng Cơtu)” của tác giả Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông do Viện Ngôn ngữ học và sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam phối hợp xuất bản năm 2006 và kết hợp với “Tiếng KaTu” của Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, NXB KHXH, Hà Nội, 1998 (chủ đạo về đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp) cho việc dạy và học tiếng Cơ Tu và cuốn P’rá Cơtu (Tiếng Cơtu) của tác giả Bh’riu Liếc xuất bản năm 2018.
Hiện những bộ sách tiếng Cơtu đều tập trung nghiên cứu và xác lập trên cơ sở tiếng Cơtu “vùng trung”. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thiện bộ chữ viết tiếng Cơtu dựa trên bộ chữ do 2 ông Konh Ta Lang (Lê Hồng Mao) và Konh Axơơp (Quánh Xân) cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam soạn thảo vào năm 1956 và hệ thống chữ Cơ-tu do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ngữ học mùa hè (SIL) soạn thảo vào những năm 1967-1969.
Tại hội thảo, ông Bh’riu Liếc, Nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng: những bộ sách và nhiều công trình nghiên cứu về người Cơtu của các nhà nghiên cứu là rất tốt cho việc dạy chữ sau này: "Chúng tôi không phủ nhận công sức của các nhà dân tộc học. Nhiều học giả đã công phu viết ra các bộ tài liệu về ngôn ngữ, văn hóa, tộc người Cơtu, nhưng đa số trong đó là không đầy đủ hoặc có sự sai lệch". Ông Liếc nói.
Còn theo tiến sĩ Phan Lương Hùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ngôn ngữ các DTTS-Viện Ngôn ngữ học thì những ý kiến tại hội thảo sẽ giúp Viện hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu thích hợp, thống nhất chung để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Muốn có bộ sách tốt, hiệu quả cần có sự thảo luận, thống nhất của các nhà viết sách và đặc biệt là ý kiến phản hồi của chính người Cơtu ở các vùng miền khác nhau.
Cũng theo ông Hùng, hiện cả nước có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức, đó là: Mông, Êđê, Jarai, Bana, Chăm và Khmer tại 21 tỉnh, thành. Còn có 7 thứ tiếng DTTS đang triển khai dạy thực nghiệm trong các trường phổ thông, gồm: Hoa, Chăm, Thái, Cơtu, Tà Ôi, Pa Cô, Bru Vân Kiều. Đặc biệt một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương.

Đồng chí Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi tọa đàm
Đồng chí Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh cần có buổi thảo luận đánh giá các bộ tài liệu phục vụ cho việc dạy và học Tiếng Cơtu. Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hỗ trợ hoàn thiện thống nhất bộ khung tài liệu giảng dạy sao cho phù hợp với từng lứa tuổi, văn hóa bản địa và có sự logic cao, làm sao cho người học dễ học, dễ nhớ. Tỉnh cần có chế độ chính sách đãi ngộ đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số để thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác này.
